Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

BÊN BIỂN
Nghiêng nghiêng bờ cát trắng
Gió ca hát rì rào
Mênh mông, mênh mông nắng
Chấp chới cánh Hải Âu.
Ánh Dương bừng biển biếc
Thấp thoáng cánh buồm xa
Sóng trào dâng dào dạt
Muôn thuở khúc tình ca.
Đại dương sâu thăm thẳm
Tình anh chao về em
Em như con chim Biển
Anh là những con Thuyền ….
*****
Anh lang thang trên cát
Tìm kiếm bóng hình xưa
Đâu rồi nàng Tiên Cá ?
Tan trong biển, chiều mưa.
Những lâu đài thành quách
Xây trên bãi cát vàng
Sóng chồm lên cuốn mất
Tựa như công Dã Tràng.
Sao vô tình đến vậy
Phủ phàng thế biển ơi
Anh trên bờ réo gọi
Bằng trái tim mồ côi.
Con chim xưa đã chết
Bởi mỏi cánh lưng trời
Thuyền anh đi xa mãi
Cho bến đợi chơi vơi…
Tiếng vọng anh lan tỏa
Trên đại dương mênh mông
Chẳng có lời đáp trả
Chỉ sóng vỗ bềnh bồng.
Con chim hóa ngọc trai
Tỏa vào đời lấp lánh
Anh ngụp lặn tìm em
Có lẽ nào … định mệnh.?..
Mariupol
Donhetxk 1996
Hồ Sỹ Trúc

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Tự Ngẫm 
"Tiến vi Quan, thoái vi Sư"*
Cụ Tổ ơi, con bây chừ mần răng
Chẳng ra Ông lại dở Thằng
Mới hay trăm sự không bằng muôn Dân
Ngày qua tháng lại thanh bần
"Không không, sắc sắc" ta dần ngộ ra.
Trắng tay lúc được sinh ra
Về với đất cũng chỉ là trắng tay.
Cõi trần bóng Hạc cưỡi mây
Bởi nên... gắng học điều hay LÀM NGƯỜI.

---------------------
* Cụ Tổ Họ Hồ Việt Nam Hồ Hưng Dật dạy con cháu đời sau câu trên đại ý " Học hành tiến thân để làm Quan giúp dân, khi không làm Quan nữa thì làm Thầy Đồ dạy học mở mang trí tuệ cho dân"

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015


                                           
                                        Bất Chợt
                    Bất chợt ta buồn, bất chợt ta vui
                    Bất chợt trời mưa rồi hửng nắng
                    Bất chợt ...có một đêm thanh vắng
                    Bất chợt gối lên tay ta khuôn mặt thiên thần 
                    Bất chợt ngọt ngào những giai điệu tuyệt luân
                    Đêm thanh vắng bao gọi mời thúc dục
                    Có những kẻ lạc đường lang thang tìm hạnh phúc
                    Bất chợt tỉnh người giữa lúc đam mê
                    Bất chợt đêm qua, bất chợt em về 
                    Ta ngơ ngẩn nhìn ly cay dang dở
                    Chẳng biết người về vui hay đau khổ
                    Mênh mông sầu ai trút phía không em....
                                                   
                                                     

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Mỗi Tháng Ba về lại nhớ tới bài thơ này. Hình bóng ai đó trong thơ cứ vương vấn theo tôi đi suốt tới cuối con đường.
'Mỗi Tháng Ba về lại nhớ tới bài thơ này. Hình bóng ai đó trong thơ cứ vương vấn theo tôi đi suốt tới cuối con đường.

Em Chải Tóc 

Tháng Ba mùa Xoan tím
Em chải tóc trước thềm
Không gian như ngưng lại
Trong hương Bưởi tỏa êm

Mái tóc dài buông thả
Gió ve vuốt đẩy đưa
Trưa xôn xao vạt nắng
Xào xạc những tàu Dừa

Lác đác cánh hoa Xoan
Rơi hờ trên mái tóc
Suối mây phủ bờ vai
Ôm khuôn trăng ngà ngọc

Ngọt ngào tiếng chim Khuyên
Trước hàng Xoan đầu ngõ
Có người ngắm trộm em
Qua dậu Tần nghiêng ngó

Mái tóc em tôi đó
Cho tôi say một đời
Một mùi hương kỳ lạ
Nhớ nhớ lắm người ơi

Tháng Ba ơi tháng Ba
Lại đến mùa Xoan tím
Người xưa vẫn cách xa
Tôi mười năm lỡ hẹn.!
  
 Gorlovka – Donhetxk  1990'
Em Chải Tóc
Tháng Ba mùa Xoan tím
Em chải tóc trước thềm
Không gian như ngưng lại
Trong hương Bưởi tỏa êm
Mái tóc dài buông thả
Gió ve vuốt đẩy đưa
Trưa xôn xao vạt nắng
Xào xạc những tàu Dừa
Lác đác cánh hoa Xoan
Rơi hờ trên mái tóc
Suối mây phủ bờ vai
Ôm khuôn trăng ngà ngọc
Ngọt ngào tiếng chim Khuyên
Trước hàng Xoan đầu ngõ
Có người ngắm trộm em
Qua dậu Tần nghiêng ngó
Mái tóc em tôi đó
Cho tôi say một đời
Một mùi hương kỳ lạ
Nhớ nhớ lắm người ơi
Tháng Ba ơi tháng Ba
Lại đến mùa Xoan tím
Người xưa vẫn cách xa
Tôi mười năm lỡ hẹn.!
Gorlovka – Donhetxk 1990

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Bài hát Nhớ Quê Mình Xứ Nghệ - Thơ Hồ Sỹ Trúc - Nhạc Lê Xuân Hải - Ca sĩ Đăng Thuật Trình bày












TIẾNG GÀ
Canh tư bỗng vọng tiếng gà
Làm ta chợt tỉnh, trăng tà bên hiên
Xạc xào tiếng gió  bên thềm
Lời ru ai khiến càng thêm bồi hồi
Nhớ nhà, nhớ quá  mẹ ơi
Đã mười năm chất một trời nhớ thương
Gót chân phiêu lãng dặm trường
Phong trần đã thấy vấn vương mái đầu
Bao đêm thổn thức canh thâu
Mà mơ về chốn chôn rau của mình
Phải đâu ta đã  vô tình
Quên đi núm ruột của mình quê xa
Trời ơi...day dứt tiếng gà
Cấu cào nỗi nhớ vẫn là Cố Hương!....
Cồn cào nỗi nhớ vẫn là cố hương!..
NHỚ HỘI LIM
 
        Ảnh nguồn - Internet

Ngày Xuân có câu quan họ
Tình tang trúc mọc bên đình
Rộn ràng liền anh liền chị
Mời trầu má đỏ môi xinh...

Câu hát vọng vang trên thôn
Theo triền sông về xóm dưới
Chiều lan tím biếc hoàng hôn
Kìa sao chị Hai bối rối?

Tình đã trao qua lời hát
Miếng trầu cánh phượng đã mời...
Nghiêng nón quai thao giấu mặt
Cho xao xuyến khách thôn Đoài!

Người về còn nhớ thôn Đông
Nhớ chị Hai má đỏ hồng,
Liền chị xưa bên rặng trúc...
Người còn có trở lại không?..

Bên đình trúc như năm cũ
Áo hội ngày xưa bạc màu
Cố nhân đâu rồi không đến
Bẽ bàng bạc lắm trầu cau.

Tiếng hát ngày Xuân vẫn trẻ
Mấy Thu rặng trúc còn xinh
Chị Hai tóc giờ sương điểm
Hàng năm vẫn đứng một mình...

           Hồ Sỹ Trúc
Thơ Hồ Sỹ Trúc - Khai bút đầu năm
 
 photo T1EBFt4_zps53068159.jpg
                         Thơ Hồ Sỹ Trúc -  Khai bút đầu năm 
                        Ta thở phào...mọi sự cũng đã qua
                        Những buồn đau xin trả về năm cũ
                        Gom hết bao điều còn đang trăn trở
                        Sẽ hóa niềm vui cùng với mọi người.
                        Xin nguyện cầu nếu như có Ông Trời
                        Hãy ban phát bình an cho tất cả
                        Đem chân tình vào lòng giả trá
                        Đem tình thương cởi bỏ những oán thù.
                        Sống trên đời muốn được nhận hãy cho
                        Ai cũng biết nhưng khó làm đến thế
                        Không làm được Thánh nhân chỉ cần là người Tử Tế
                        Cuộc sống quanh ta đã tốt đẹp lắm rồi.
                        Mang niềm vui gửi tặng hết mọi người
                        Hạnh phúc, điều may, ngập tràn sức khỏe
                        Cho bạn cho tôi và những phận đời không còn rơi lệ
                        Hướng tâm khúc hát giao mùa.
                                       Kiev - 19/02//2015
                                    Hồ Sỹ Trúc - Khai bút năm mới
Tản văn - Ai bảo " Ngu như Trâu"


Tôi là dân bần cố nông bao đời nhưng cày bừa không biết, Bố tôi bảo : Tập cày đi cho biết, nhỡ sau học dốt không đi thoát ly được thì vẫn phải lấy đít trâu làm thước ngắm mới có cái mà bỏ mồm đấy con ạ…

 Vào khoảng 14, 15 tuổi gì đó, tôi lấy đà vài lượt mới đi mượn trâu của Ông Cậu ở xóm “Bờ Rậm”* sau quá trình đã mấy lần đi cày thực tập với ông anh họ. Hì hục vác cày dắt trâu ra cánh đồng có ruộng nhà nhận khoán tên là “ Đập Bản”* đây là vùng úng trũng, nhìn nước ruộng lắp xắp nhưng lội xuống bùn ngập tới đầu gối và đỉa nhiều vô thiên lủng, tôi loay hoay cài được cái ách vào cổ trâu, miệng hô “ tắc rì” mãi nhưng con trâu nó chẳng chịu kéo, bực mình cầm roi tre vụt mấy cái vào mông , hắn lúc lắc cặp sừng và bắt đầu bước đi..có thế chứ, tôi khoái chí nghĩ: đúng là Trâu Bò chỉ thích roi. Đi được một đường cày gần tới đầu bờ bên kia hắn chợt đứng lại, tôi giật thừng hò hét rầm trời nó vẫn không nhúc nhích, bực mình liền vung tay mím môi giáng một roi, đang giơ lên định làm phát nữa thì bất giác tay tôi dừng lại vì hắn bỗng quay lại nhìn mình chòng chọc, hai mắt đỏ vằn long sòng sọc, tôi chột dạ cảnh giác và thủ thế …y như rằng hắn lao thẳng vào tấn công. Tôi nhảy tót lên bờ và cắm đầu "Tẩu vi". Ai ngờ hắn tha luôn cả chiếc cày đuổi theo chạy khắp cánh đồng làm gãy tan cái cày 51.
 photo tRAcircU_zps0fa0bec1.jpg
                             Lý do vì sao tôi không biết đi cày
Ôi chao! Tôi lúc đó thần hồn nát thần tính cắm đầu chạy thục mạng, khi nhìn thấy dãy cây phi lao mới trồng được mươi năm to hơn bắp chân ở ven bờ vườn dưa gang các cụ phụ lão, tôi như" chết đuối vớ được cọc" vội phóng tới trèo tót lên trên vừa thở vừa vừa nhìn xuống, ai ngờ thằng Trâu vẫn không chịu buông tha, hắn lao tới ghé cặp sừng nhọn hoắt nện cồm cộp vào gốc cây, vỏ cây bong ra từng mảng lớn. Hãi quá tôi trèo lên cao hơn, thằng Trâu mắt càng đỏ lừ như máu, nước dãi chảy nhoe nhoét, húc một lúc chắc bị đau mà không có tác dụng hắn bèn đổi chiến thuật, nó nghiêng cặp sừng luồn vào thân cây và bắt đầu lắc …cây phi lao rung lên bần bật…
 Ối cha mẹ ơi ! ai bảo là “ Ngu như Trâu ” thì trong trường hợp này nên nghĩ lại. Tôi trèo lên cao thì cây lại càng rung mạnh nên lại phải tụt xuống một tý, lúc này tôi vừa sợ vừa cáu tiết bèn dạng chân kẹp chặt lấy một chạc cây, vươn tay bẻ các nhánh xung quanh phi xuống đầu nó hy vọng hắn đau mà bỏ đi chăng. Quái thật, bị đau nhưng hắn không từ bỏ, nó cứ đi vòng xung quanh gốc cây như suy nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo, lúc sau nó lùi ra một chút và nằm xuống nghỉ lấy sức, đã thế như trêu ngươi hắn còn chơi ngay một ngoạm cỏ tươi ven bờ vừa trệu trạo thưởng thức, vừa ngước lên nhìn con mồi một cách hằn học.
Mẹ khỉ…tôi nghĩ bụng : mình đánh có ba roi mà nó căm thù mình thế này trong khi tôi thấy nhiều người đánh trâu đến gãy cả roi thì chắc là nó đau đớn lắm, mà suy cho cùng dù da Trâu cũng là da thịt cả thôi, có lẽ Trời Đất sinh ra phải làm kiếp Trâu rồi nên đành phải cam chịu hay sao ấy, nhưng dân gian nói “ Con giun xéo mãi cũng quằn” lại đúng vào trường hợp tôi hôm nay, mình đúng là đen đủi thật, thằng Trâu bị có ba roi mà nó đã bật lại, rượt mình theo kiểu “ đuổi cùng giết tận” như thể đây là dịp trả thù cho họ hàng nhà Trâu xưa nay chuyên bị loài người hành hạ vậy.
Trời trưa nắng hèn hẹt, nước dưới ruộng như muốn sôi, từng đám cua đồng chịu không nổi bò lên bờ lổm ngổm phun bóng phì phì. ThằngTrâu nằm dưới ngước lên, tôi ở trên nhìn xuống, cánh đồng tịnh không một bóng người, muốn kêu cứu cũng chịu…giá ngày xưa có Mobin như bây giờ thì tốt biết bao, gọi một cái thì có bộ phận giải cứu ngay. Tôi ngồi thấy mỏi lắm rồi lại nhỏm dậy đứng thẳng trên chạc cây và nghĩ kế thoát thân, nào ngờ nghe tiếng cây rung hắn lại đứng phắt dậy nhào tới như bò tót húc đấu sĩ, vỏ cây dưới gốc lúc này đã bong hết và cái đầu trâu cũng đã trầy xước mấy chỗ máu chảy be bét lem nhem nên trông nó càng gớm ghiếc như hung thần.
“ Trí khôn của ta đâu” ? Chuyện cổ tích kể con người lừa đốt cho Cọp bị bỏng chạy cong đuôi, Trâu khoái chí cười sún cả răng, bây giờ Trâu lại tấn công tôi, tôi chạy trối chết và ngẫm câu thành ngữ “Cá ăn Kiến, Kiến ăn Cá” thật là đúng. Cả kiếp Trâu kéo cày nắng như mưa, trưa như tối, Đông qua Hạ tới nhị kỳ Xuân Thu, Trâu quần quật làm lụng cho người, vui cùng người đầu Xuân trẩy hội xuống đồng, buồn cùng người đói meo ngày giáp hạt, vậy nhưng con người lắm khi vẫn đối xử thô bạo đến bất công, bắt Trâu làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt nhất và có lúc bị ngã quỵ ngay trên ruộng cày. Nhân vật được gọi là “ đầu cơ nghiệp” một thời này lập tức bị chia năm sẻ bảy ra chợ bán làm mồi nhậu.


                Chọi Trâu - ảnh có tính chất minh họa ( Nguồn internet)

...  Bây giờ nông thôn cơ giới hóa nhiều , ruộng đồng cỏ cho Trâu, Bò cũng cạn, và khi sức kéo không quan trọng nữa người ta lại rầm rộ tổ chức Hội thi chọi Trâu, và cho rằng đó là truyền thống , là một nét văn hóa vùng miền…he he.. văn hóa với ai thì không biết, với tôi chỉ thấy đó là thứ văn hóa dã man thời tiền sử, xem cái thứ này có khác gì mấy cái phim bạo lực bị cấm chiếu đâu, nó vẫn kích thích thần kinh con người ta đến cao độ khi hai khối thịt hàng nửa tấn, sừng vót nhọn hoắt mắt tóe lửa lao vào nhau như trời giáng một cách không khoan nhượng, máu me vung vãi như bãi chiến trường và thằng thắng thằng thua đều cho vô lột da xẻ thịt.
... Chơi, xem cái trò này sẽ làm cho bản năng hoang dã trỗi dậy và một trong những mầm mống cái ác, cái dã man cũng từ đó mà phát sinh. Thời nay nhiều lúc đọc không tin nổi những vụ án mà kẻ thủ ác gây ra lại do con người làm, mức độ thú tính dã man ngày một tăng lên. Báo chí có đợt viết rầm rộ tôi đọc thấy có vùng nào đó, lúc tế lễ chém phay đầu con lợn sống , tạo nên một làn sóng dư luận nhiều chiều trong cộng đồng mạng. Ghê quá! cũng là “làm thịt” nhưng hình thức “thịt” thế nào lại là một chuyện, chẳng thế mà đối với tội phạm bị loại khỏi đời sống xã hội, người ta phải nghĩ ra nhiều kiểu tử hình đó sao…để cho trước khi bước qua Quỷ Môn Quan gặp Diêm Vương , dù không biết có bị phán ném vào vạc dầu hoặc bị lửa thiêu dưới chín tầng địa ngục hay không, nhưng nếu được chết một cách nhẹ nhàng thì người “đi” cũng đỡ… người sống cũng bớt đau lòng.
…Con người có “Linh” thì loài vật cũng có bởi Thượng Đế tạo ra muôn loài đã sắp đặt như vậy từ xửa từ xưa.  Trước đây, có cái làng chuyên nghề lò mổ, mỗi ngày giết không biết bao nhiêu Trâu,Bò.  Xương và các thứ không ăn được chất cao như núi, người ta đem đổ bừa bãi khắp nơi và hậu quả thì có lẽ ai cũng hiểu …Đi vào đó, hai bên đường các loại xương lăn lóc trắng ởn và cánh đồng, mương nước trong làng ngoài xóm nước đặc quánh tanh ngòm sặc mùi tử khí, các loài sinh thực vật không sống nổi, hỏi thử con người không bị bệnh tật mới là điều lạ. Lại nghe kể có con Trâu bị đem vào lò mổ chuẩn bị hóa kiếp, dường như linh tính cảm nhận được cái chết đang đến gần nên lúc đó sức mạnh tiềm ẩn mới bùng phát dữ dội, nó vùng vẫy tuyệt vọng và giật đứt dây thừng lao thẳng vào người đang cầm dao chọc tiết, thế là “Trạng chết Chúa cũng băng hà”. Ai bảo là giống vật không có lòng thù hận? có đấy… những câu chuyện Rắn báo oán, Cọp ba chân vồ người mà dân gian kể lại như là một bài học nhắc nhở con người cũng cần đối xử với loài vật một cách công bằng.
  Ngẫm nghĩ… Phải bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống nhưng không nhất thiết truyền thống nào cũng phải khăng khăng mà giữ, cần hiểu rõ những giá trị đích thực gì từ nó mang lại cho cuộc sống của chúng ta nếu không thì có khi… tự mình lại phải gánh lấy hậu quả  “Gậy ông đập lưng ông”. 
...Xin trở lại cái hoàn cảnh của tôi lúc vẫn ôm cứng ngọn phi lao nhìn xuống  con Trâu đang gầm ghè gốc cây đầy thù hận. Tôi tự hứa với lòng nếu thoát khỏi cái “đận” này, dù sau có làm nghề nông thì cũng xin chừa không đi cày nữa, và tiếp tục nặn óc nghĩ cách thoát thân. Thằng Trâu chợt khựng lại và quay đít lững thững bỏ đi, bụng tôi mở cờ phập phồng nín thở mừng thầm…và hí hửng: he he ..cuối cùng mày vẫn phải bỏ cuộc thôi.
...Chờ nó đi được vài ba chục mét tôi nhẹ nhàng tụt thấp một tý, xuống tý nữa, định bụng đến mức có thể nhảy được và sẽ chạy ngược chiều với nó, đang nín thở chuẩn bị nhảy thì bỗng nghe uỳnh uỵch dồn dập, chẳng cần nhìn cũng biết là cái gì, tôi liền vội vàng leo tót lên thì cũng vừa lúc cặp sừng đen trũi như hai trụ sắt của hắn nện rầm vào thân cây.
Thật không thể tin nổi, chả nhẽ cái giống người ta vẫn so sánh là “ngu” này lại đi lừa mình thêm lần nữa?.. mãi sau, mỗi lần nhớ tới chuyện này, tôi vẫn tự lý giải rằng có thể lúc tôi tụt xuống đã vô ý gây ra tiếng động gì chăng chứ sự việc xảy ra cứ như hành động của một kẻ có lý trí vậy. Lúc này máu trên đầu hắn chảy càng nhiều, máu  nhễu qua cả mõm và nó thè lưỡi liếm, mùi tanh của máu hình như làm nó say và điên tiết hơn, trông hắn bây giờ đúng là “Ngưu Ma Vương” hắn rống lên ò ọ, hết sức ghì chặt sừng vào thân cây lắc liên hồi kỳ trận.
 Trong lúc tưởng chừng “vô kế khả thi” thì như kẻ “chết đuối vớ được cọc” tôi nhìn thấy mấy cành của cây bên cạnh chĩa sang, vì các cây trồng rất gần nhau.  Có lẽ lúc trước vì quá hoảng sợ, vì rối quá chẳng nghĩ ra phương án ấy, xem ra đây có lẽ là cơ hội để thoát thân khả dĩ nhất.
Tôi đứng thẳng dậy chân men sang cành bên cạnh, tay thì nắm cành phía trên, thử nhún mấy cái thấy có vẻ ổn và nhảy bật sang chộp lấy thân cây bên kia. Thằng Trâu vẫn mãi ghì và húc cồm cộp vào thân cây, do hắn không ngước lên nên chẳng hay biết tôi đã nhảy sang cây khác, và cứ theo phương pháp Tác Giăng  ấy tôi đã di chuyển ra xa đến vài chục mét.
Từ đằng xa nhìn lại, Trâu ta lúc này có vẻ đã phát hiện ra trên cây không còn tôi nữa, hắn lồng lộn vòng xung quanh gốc cây dường như không hiểu nổi điều gì đã xảy ra, hắn rống lên giận dữ và nghệt mặt ra rất ngạc nhiên. Tôi thì thu mình lại tít trên cao, định bụng chờ một lúc để nó bỏ đi mới tụt xuống cho an toàn. Chờ mươi phút mà hắn vẫn cứ quanh quẩn ở đó, tôi quyết định rình lúc nó đang quay mông lại phía mình vội cởi áo ra buộc hai ống tay vào bụng rồi tụt nhanh xuống ù té về phía cánh đồng Quỳnh Yên*, tôi chạy như ma đuổi vọt qua cả dòng mương đào. Thằng Trâu có lẽ nghe tiếng bước chân của tôi chạy, hắn quay lại nhưng chắc nhìn thấy một bóng nhỏ ở trần phía xa nên nó không đuổi theo.
Tôi dừng lại bên mấy chiếc lò gạch - An toàn rồi, đúng là hú vía!!! Kinh khủng thật, trên đời này hóa ra chẳng có việc gì giản đơn, kể cả việc đi cày. Tôi chạy về làng theo đường khác và gọi Ông Cậu ra tìm dắt Trâu, đêm đó nghe tôi kể chuyện, cả nhà được một trận cười ngặt nghẽo no bụng, Bố tôi thì chép miệng lắc đầu nguầy nguậy khiến tôi đỏ mặt tía tai, tôi bụng bảo dạ sẽ không bao giờ cầm cày nữa và đã thực hiện đúng như vậy. Những vụ mùa sau này khi gặt hái xong nhờ họ hàng ai cày cho thì cày còn không tự vác cuốc ra mà cuốc lấy.
 …  Mỗi lần ra ông Cậu chơi tôi đều vào nhà bằng ngõ chính chứ không dám đi tắt phía sau vườn cho nhanh như trước nữa vì phải đi qua cái chuồng trâu nơi hắn đang tá túc ở đấy, có một lần tưởng hắn đã quên chuyện cũ tôi đi ra chuồng và rút một nắm rơm mới vàng ươm thơm phức chìa vào cho nó để xí xóa chuyện cũ, ai dè nó vẫn không thèm ăn mà còn nện một cái rầm vào thanh gỗ chắn ngang làm tôi giật bắn người. Thôi thì ông cạch mày vậy…
Ngẫm vẫn sợ cái “Đít Trâu” như lời bố tôi dọa, đành cố học hành để đi “cày” đường nhựa, đường cày này mình lại bước quá chân, phá luôn bờ thửa sang cày những gần 30 năm trên những cánh đồng tuyết trắng xứ người, giờ tóc cũng sắp pha sương như tuyết nhưng mỗi lần nhớ về kỷ niệm đi cày, nỗi nhớ quê hương lại tuôn về ăm ắp như nguồn nước dòng sông Mơ* chảy qua quê tôi về Biển Mẹ.
    “*” Một số địa danh quê tôi,  Quỳnh Lưu, Nghệ An                                              
                                                        Kiev 2014
                                                        Hồ Sỹ Trúc